EU chính thức bác bỏ đề xuất cấm khai thác tiền điện tử Bitcoin và Ethereum
Đề xuất hạn chế khai thác tiền điện tử Bitcoin, Ethereum của Ủy ban Kinh tế và Tiền tệ, thuộc Nghị viện châu Âu đã không được thông qua.
Nghị viện Liên minh châu Âu đã chính thức bác bỏ đề xuất lệnh cấm khai thác tiền điện tử Bitcoin và Ethereum vào ngày 14/3. Đề xuất trên được đưa ra trong bối cảnh khủng hoảng về năng lượng và các vấn đề môi trường do tiền mã hóa gây ra tại châu Âu.
Dù đề xuất hạn chế khai thác tiền điện tử không được thông qua, các loại tiền mã hóa vẫn có thể chịu giám sát của các nhà hoạch định chính sách khi EU cố gắng giải quyết các cuộc khủng hoảng năng lượng và khí hậu. Việc phòng chống ô nhiễm môi trường đã trở thành một vấn đề toàn cầu kể từ khi Trung Quốc cấm khai thác tiền mã hóa vào năm ngoái.
Liên minh Châu Âu “quay đầu”
Việc khai thác tiền điện tử như Bitcoin và Ethereum tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Hơn nữa, lượng khí nhà kính thải ra môi trường trong quá trình khai thác tiền điện tử cũng là một vấn đề đáng báo động.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu lại đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng năng lượng khiến giá điện tăng vọt trong năm qua. Vấn đề này thậm chí còn trở nên phức tạp hơn khi EU cố gắng cắt nguồn cung cấp khí đốt từ Nga.
Theo nghiên cứu của Trung tâm Tài chính thay thế thuộc Đại học Cambridge, các mỏ khai thác tiền điện tử Bitcoin sử dụng nhiều điện hơn trong một năm so với Na Uy. Nếu được coi như một quốc gia, Bitcoin sẽ xếp hạng 27 trên thế giới về mức tiêu thụ điện hàng năm.
Vì những lý do trên, Ủy ban các vấn đề kinh tế và tiền tệ của Nghị viện Liên minh Châu Âu đã bỏ phiếu vào hôm 14/3 để xây dựng một khuôn khổ lập pháp nhằm kiểm soát tài sản kỹ thuật số. Dự thảo luật quản lý thị trường tài sản kỹ thuật số (MiCa) đã đề xuất các tài sản tiền mã hóa được phát hành hoặc giao dịch ở Liên minh châu Âu “phải tuân theo các tiêu chuẩn tối thiểu về bảo vệ môi trường bền vững”.
Như vậy, một số loại tiền mã hóa hoạt động trên cơ chế Proof of Work (khai thác bằng sức mạnh phần cứng) như Bitcoin hay Ethereum có khả năng bị cấm nếu điều khoản này được thông qua.
Quyết định trên đã gây ra một làn sóng phẫn nộ trong ngành công nghiệp tiền mã hóa. Một số lãnh đạo trong ngành đã bày tỏ quan ngại trên Twitter, băn khoăn rằng liệu đây có phải là “án tử” cho Bitcoin.
“Chúng tôi kêu gọi mọi người hãy cùng liên hệ đến Thành viên Nghị viện châu Âu và gửi lời phản đối lệnh cấm Bitcoin ở châu Âu”, ông Pascal Gaulthier, Giám đốc Điều hành Ledger, một trong những nhà cung cấp ví tiền mã hóa lớn nhất thế giới, chia sẻ trên Twitter.
Tuy nhiên, theo The Verge, những điều khoản đề xuất nói trên đã bị bác bỏ. Thay vào đó, Ủy ban đã thông qua một đề xuất riêng nhằm bổ sung khai thác tiền điện tử vào phân loại tài chính bền vững của EU, điều này sẽ xác định liệu tiền điện tử có thể được coi là một khoản đầu tư bền vững hay không.
Ngành công nghiệp tiền mã hóa đã cố gắng giải quyết các vấn đề về môi trường nhiều năm. Mạng lưới Ethereum sẽ chuyển giao thức từ cơ chế Proof of Work sang cơ chế Proof of Stake (đồng thuận bằng cổ phần).
Cơ chế Proof of Stake sử dụng ít năng lượng và được coi là thân thiện với môi trường hơn. Một sự chuyển đổi như vậy cũng sẽ giải quyết được vấn đề tiêu tốn năng lượng của Bitcoin.
Tuy nhiên, không có nhiều người ủng hộ việc Bitcoin theo chân Ethereum, bởi tất cả thợ đào sẽ phải thanh lý thiết bị mà họ đã đầu tư để khai thác Bitcoin. Những người ủng hộ Proof of Work cũng cho rằng đây là cơ chế an toàn nhất để duy trì tính toàn vẹn của blockchain.
Có nên cấm đào tiền điện tử?
Tuy nhiên, việc cấm khai thác tiền mã hóa lại không hề cắt giảm lượng khí nhà kính thải ra môi trường. Kể từ khi Trung Quốc cấm đào tiền điện tử vào năm ngoái, lượng khí nhà kính do khai thác Bitcoin tạo ra thậm chí đã tăng lên.
Theo nghiên cứu của Trung tâm Tài chính Thay thế Cambridge, những thợ đào trước đây từng khai thác nguồn thủy điện dồi dào ở Trung Quốc đã chuyển sang sử dụng khí đốt và than ở Mỹ và Kazakhstan – hai trung tâm khai thác tiền điện tử Bitcoin lớn nhất trên thế giới.
Cho đến nay, không có nhiều hoạt động khai thác tiền điện tử ở EU, con số này chỉ dừng lại ở mức dưới 5% so với tổng thị phần khai thác tiền điện tử Bitcoin trên toàn thế giới.
Năm ngoái, EU đặt mục tiêu cắt giảm hơn một nửa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào cuối thập kỷ này. Trong khi đó, xung đột giữa Nga và Ukraine khiến quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch càng trở nên cấp thiết hơn, bởi Nga cung cấp cho EU gần một nửa lượng khí đốt nhập khẩu.
Các biện pháp mới do Liên minh châu Âu đưa ra sẽ cắt giảm đáng kể sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga trong những năm tới. Kế hoạch này phụ thuộc rất nhiều vào việc cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng.
Khuôn khổ lập pháp do Quốc hội Liên minh Châu Âu biểu quyết ngày hôm 14/3 vẫn chưa có hiệu lực. Tiếp theo đó sẽ là các cuộc đàm phán “ba đoạn”, nơi mà nghị viện, ủy ban và hội đồng của Liên minh Châu Âu sẽ phải đi đến một thỏa thuận trước khi các đề xuất được thông qua.
Theo ông Patrick Hansen, trưởng bộ phận chiến lược và phát triển kinh doanh của công ty khởi nghiệp blockchain Unstoppable Finance, vẫn có khả năng lệnh cấm tiền điện tử cũng như cấm khai thác tiền điện tử được đưa ra một lần nữa trong các cuộc đàm phán nói trên.
Trên đây các thông tin mà Việt Coin vừa tổng hợp được, mong rằng sẽ có hữu ích cho bạn. Theo dõi Vietcoin để cập nhật thông tin và kiến thức mới nhất về các đồng tiền điện tử, nft và công nghệ blockchain.